Thuyền cổ vượt non cao

Chúng tôi lên Kim Bôi (Hoà Bình) chia vui với nhà khảo cổ học nổi tiếng, TS Nguyễn Việt. Mùa hè này, ông đã hoàn thành một việc lớn ở Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á.

Chú thích ảnh
Khu nhà chính Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á ở Kim Bôi, Hoà Binh.
Chú thích ảnh
Khu mới mở rộng của Trung tâm.

Sau gần hai năm lao động cật lực, TS Nguyễn Việt mở rộng trung tâm và di dời toàn bộ bảo tàng Phạm Huy Thông từ Quảng Yên (Quảng Ninh) về đây. 

TS Nguyễn Việt cho biết: Với hơn 4 ngàn mét vuông xây dựng mới , tổng mặt bằng ở trung tâm đã lên tới hơn 16 ngàn mét vuông. Các công trình được xây dựng được thiết kế theo mô hình một địa chỉ giao lưu văn hoá mở, đón người xem từ mọi nơi đến vùng văn hoá Hoà Bình!

Chú thích ảnh
Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Việt: Tôi muốn xây dựng Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á thành một điểm đến hấp dẫn về khảo cổ, du lịch ở vùng lõi của văn hoá Hoà Bình.

Điều đáng nói là TS Nguyễn Việt cùng với các cộng sự  đã  nâng cấp trung tâm bằng nguồn vốn tự thu xếp của một cơ sở nghiên cứu phi chính phủ, một mô hình còn rất ít ở Việt Nam.

Trung tâm đã chuyển toàn bộ hàng chục ngàn hiện vật ở bảo tàng Phạm Huy Thông từ Quảng Yên về Kim Bôi, trong đó có  các cọc gỗ Bach Đằng,  nhiều loại đồ gốm sứ, đồ đá, trống đồng, các bộ kiếm thời Hùng Vương, bản phục chế mặt người thời kỳ văn hóa Đông Sơn... và nhiều hiện vật khác.

Chú thích ảnh
TS Nguyễn Việt và tác giả bên một chiếc thuyền cổ mới được chuyển về Kim Bôi.

Trong số này, dày công nhất là 22 chiếc thuyển cổ. Đây là các thuyền TS Nguyễn Việt cùng các cộng sự đã tìm kiếm, thu gom, trục vớt dọc sông Kinh Thày - Hải Dương trong các năm từ 2016 đến 2018. Kết quả giám định 12 mẫu thuyền tại Úc, Đức và Pháp cho thấy , 6 thuyền có niên đại Đông Sơn (2000 - 2400 năm), số còn lại từ 1200 đến 800 năm. Việc đưa số thuyền khá cồng kềnh này, một số đang trưng bày, phần lớn  đang bảo quản trong các bể dung môi, vượt qua quãng đường gần 200 km, từ biển lên rừng , là một kỳ công. Trung tâm đã phải thuê các xe chuyên dụng để chuyển số thuyền này an toàn; chuẩn bị các chỗ trưng bày cũng như các bể nước để tiếp tục bảo quản thuyền. 

Chú thích ảnh
Các hiện vật được phân  loại, bảo quản.

TS Nguyễn Việt cũng đưa về Kim Bôi chiếc thuyền buồm cánh dơi do ông tổ chức đóng từ năm 2017 ở Quảng Ninh nhằm lưu giữ công nghệ đóng một loại thuyền cổ, khi số thợ biết đóng thuyền loại  ngày một ít đi. Chiếc thuyền này sau khi đóng đã tham gia vận chuyển và được cấp biển biển soát giao thông như các loại phương tiện thuỷ khác.

Chú thích ảnh
Một khu trưng bày hiện vật.

Chúng tôi theo TS Nguyễn Việt thăm toàn bộ các khu của trung tâm. Ông đã thực hiện được tâm nguyện của mình là đưa tất cả các hiện vật sưu tầm trong hơn 20 năm về một mối. Có thể nói, trong số hơn 30 ngàn hiện vật  ở đây, mỗi hiện vật đều có một câu chuyện  riêng và chứa đựng mồ hôi, công sức của ông. Tất cả đều được sắp xếp theo trình tự, có các tài liệu chỉ dẫn kèm theo và sẵn sàng phục vụ cho người làm công tác nghiên cứu hoặc khách tham quan tìm hiểu. Đây là công sức của cuộc đời ông và các cộng sự. Được biết, Trung tâm tiền sử Đông Nam Á quan hệ với khoảng 200 cơ sở nghiên cứu và bảo tàng trong và ngoài nước. Với tư cách là giám đốc và là nhà nghiên cứu, TS Nguyễn Việt là tác giả của 20 công trình và tham gja vào hơn 20 công trình khác. Các kết quả nghiên cứu của ông đều được trình bày tại các hội nghị chuyên ngành khảo cổ ở trong và ngoài nước.

Chú thích ảnh
Thuyền cánh dơi tại khu trưng bày.

TS Nguyễn Việt chia sẻ: "Tôi muốn xây dựng Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á thành một điểm đến hấp dẫn về khảo cổ, du lịch ở vùng lõi của văn hoá Hoà Bình. Chúng tôi cũng mong muốn có sự hợp tác trong việc việc duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm trong những năm tới đây!"

Tôi hiểu, ở độ tuổi 70, trong cuộc Ma ra tông về văn hoá, ông có tâm nguyện trao ngọn đuốc vào tay những người kế tục tâm huyết, có trách nhiệm.

Chú thích ảnh
Bể ngâm và bảo quản thuyền cổ.

Những ngày này, TS Nguyễn Việt và Trung tâm của ông đang cùng với Bảo tàng Hoà Bình tổ chức một đợt khai quật, khảo sát mới hai khu di tích Xóm Trại và Làng Vành, hai địa chỉ của văn hoá Hoà Bình có niên đại trên 20 ngàn năm. Các cuộc khai quật sẽ kéo đến tháng 8, góp phần phục vụ Hội thảo khoa học và trưng bày nhân kỷ niệm 90 năm xác lập và nghiên cứu về văn hóa Hòa Bình (1932 -2022). Đây cũng là hoạt động vinh danh nhà khảo cổ học người Pháp, bà Madeleine Colani (1866-1943), người đã đưa nền văn hóa tiền sử Hòa Bình ra thế giới. Với tình yêu đặc biệt dành cho khoa học khảo cổ, TS Nguyễn Việt vẫn đang cháy lên với những đam mê, khát vọng của mình.

Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng
Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật Di tích khảo cổ học Thác Hai, Đắk Lắk
Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật Di tích khảo cổ học Thác Hai, Đắk Lắk

Ngày 27/5, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật Di tích khảo cổ học Thác Hai lần thứ 2 (năm 2021 - 2022).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN